Rà soát hoạt động của các mỏ đất phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn

Ngày 13/6, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức phiên họp nghe giải trình về công tác quản lý, khai thác các mỏ đất trên địa bàn tỉnh…

Lạng Sơn có 5 đơn vị với 9 điểm được UBND tỉnh chấp thuận cho khai thác đất phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Ảnh Minh họa: TTXVN

Ngày 13/6, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức phiên họp nghe giải trình về công tác quản lý, khai thác các mỏ đất trên địa bàn tỉnh; thực trạng ảnh hưởng đến môi trường của hoạt động sản xuất chì thỏi tại Công ty Cổ phần Kim loại mầu Bắc Bộ – đây là những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Liên quan đến công tác quản lý, khai thác các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn từ năm 2015 đến nay, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn cho biết, hiện trên địa bàn có 5 đơn vị với 9 điểm được UBND tỉnh chấp thuận cho khai thác đất phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Hàng năm, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường cũng như đôn đốc nộp tiền cải tạo, phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, do nhu cầu về đất san lấp tăng nhanh nên đã có tình trạng khai thác, san lấp đất trái phép, chủ yếu ở huyện Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn; đặc biệt là việc lợi dụng Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn để khai thác đất, sử dụng vào mục đích khác, gây thất thoát nguồn tài nguyên…

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh: Các cấp chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn trong việc phối hợp kiểm tra, công khai, xử lý nghiêm những vi phạm của các cơ sở khai khác đất.

Các cơ quan chuyên môn về môi trường cần rà soát hoạt động của các mỏ đất phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, không để doanh nghiệp vượt quá giới hạn cho phép, sẵn sàng đình chỉ hoạt động khai thác nếu các đơn vị được cấp phép không thực hiện đúng nội dung chấp thuận của UBND tỉnh và các quy định pháp luật khác có liên quan…

Đối với hoạt động sản xuất chì thỏi của Công ty cổ phần Kim loại mầu Bắc Bộ ở thôn An Trung, xã Bình Trung (huyện Cao Lộc) khiến gần 400 người dân và công nhân bị nhiễm độc chì, đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh khu vực, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn cho biết, do dây chuyền và công nghệ sản xuất của Công ty trên đã lạc hậu nên dẫn tới việc gây ô nhiễm.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Công ty Cổ phần Kim loại mầu Bắc Bộ phải khắc phục những sai phạm trên và có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ người dân, công nhân bị nhiễm độc chì.

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải ra môi trường của đơn vị, xem xét những vấn đề không phù hợp trong đánh giá tác động môi trường để hoàn thiện và thay thế./.