Sáng tạo để đổi mới nông thôn

Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 77/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Có được kết quả này là do MTTQ tỉnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xây dựng những mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế, vận động nhân dân tích cực đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng, cải tạo hạ tầng. Sau 5 năm triển khai, người dân ở các vùng quê của Vĩnh Phúc đã được hưởng những “trái ngọt” từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải huy động tổng lực nguồn lực của nhân dân, trong đó, phát huy vai trò của MTTQ và tổ chức thành viên có tính chất quyết định. Theo đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cấp hội cơ sở phối hợp với MTTQ cùng cấp triển khai thực hiện cuộc vận động và đăng ký các mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức.

Hội Phụ nữ với mô hình “Xây dựng gia đình năm không, ba sạch”, hội viên cam kết không để các thành viên trong gia đình mắc các tệ nạn xã hội; Hội Nông dân cho ra đời mô hình “Thu gom rác thải”; Đoàn Thanh niên với mô hình “Thanh niên xung kích xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường” gắn với hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”… Nhiều tiêu chí trước đây thuộc diện khó thực hiện do thiếu kinh phí, nhân lực, trong đó có tiêu chí môi trường. Nhưng nhờ các phong trào, nhiều tiêu chí dần được thực hiện.

MTTQ các cấp có sáng kiến thành lập mô hình “Nhóm nòng cốt”. Thành viên của “Nhóm nòng cốt” là những cán bộ, nhân dân giàu nhiệt huyết. Nhiệm vụ của nhóm là tuyên truyền vận động người dân tại khu dân cư tích cực tham gia thực hiện để hoàn thành, duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Từ 83 mô hình điểm đến nay các mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong đó, các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương đã xây dựng được 100% “nhóm nòng cốt” tại các khu dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, trong hai năm 2016-2017, MTTQ các cấp đã tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia hiến hơn 900.000 m2 đất; góp hơn 250.000 ngày công lao động và hơn 422 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, MTTQ các cấp chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng thông qua việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển trang trại, kinh tế đồi rừng… Đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng mô hình liên kết phát triển kinh tế: Huyện Vĩnh Tường có 59 mô hình; huyện Bình Xuyên có 5 mô hình; huyện Tam Đảo có 15 mô hình… Thực hiện cuộc vận động gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ các cấp căn cứ tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn và cụ thể hóa thành các nội dung vận động.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh và các tổ chức thành viên đã hưởng ứng tích cực và triển khai đồng bộ đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân các nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, nội dung cuộc vận động được lồng ghép, triển khai thực hiện gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia cũng như các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước khác. Khi thực hiện việc này, tình làng nghĩa xóm đã được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc thêm vững chắc. Bên cạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh MTTQ các cấp cũng tích cực vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng các thiết chế văn hóa và những quy ước, hương ước phù hợp theo chuẩn mực văn hóa tiên tiến, kết hợp với bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, các thuần phong mỹ tục trong nhân dân được bảo tồn…

Tuệ Phương