Sức bật mới của ngành Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc

Bản Quy hoạch chung (QHC) phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 – tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/10/2011, đã đặt ngành Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trước những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ trong việc kiện toàn bộ máy cũng như hoàn chỉnh quy chế quản lý, triển khai QH đô thị. KTS Nguyễn Đạm, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc khẳng định luôn phát huy nội lực, khai thác mọi thế mạnh, tăng cường đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả từng hạng mục công trình, không ngừng phát triển về mọi mặt. Triển khai thực hiện quản lý đô thị theo QHC sẽ là tiền đề quan trọng cho việc phát triển đô thị Vĩnh Phúc theo hướng Xanh, hiện đại và giàu bản sắc….”
Từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1997), ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn tỉnh. Cùng với việc phát triển lực lượng, Ngành đã chú trọng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; đề xuất với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp quy, cụ thể hóa các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, nhà ở, hạ tầng đô thị, quản lý VLXD theo sát tình hình thực tế địa phương.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải resort – Tỉnh Vĩnh Phúc

Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 1997 đến nay đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt bộ mặt kiến trúc từ đô thị đến nông thôn ở Vĩnh Phúc. Đã có nhiều công trình kiến trúc đẹp và hiện đại được xây dựng như: Trụ sở Tỉnh ủy, Trụ sở HĐND – UBND tỉnh, Nhà thi đấu thể thao, Khu vui chơi giải trí sông Hồng Thủ đô, Khu Du lịch Hoàng Quy, Đô thị mới chùa Hà Tiên (Vĩnh Yên), làng du lịch Lạc Hồng – Tam Đảo, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên, Khu du lịch Đại Lải, sân golf Nam Vĩnh Yên… tạo những điểm nhấn cảnh quan mang tính bản sắc cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Một trong những lực lượng mũi nhọn của ngành xây dựng Vĩnh Phúc, chính là đội ngũ KTS đã và đang góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh. Trong năm 2011, Hội KTS Vĩnh Phúc với 34 hội viên đã tham gia Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề các hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh; tham gia thẩm định các đồ án QHC và QHCT phân khu trên địa bàn TP Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Sông Lô, QHCT các khu, cụm CN với quy mô hàng nghìn ha, thỏa thuận QH xây dựng nông thôn mới toàn bộ các xã; tham gia hội đồng thi tuyển kiến trúc đối với các công trình có ý nghĩa quan trọng: Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện Sản – Nhi Vĩnh Phúc, các trụ sở UBND huyện, thị trên địa bàn, tuyển chọn phương án QH trường ĐH Dầu khí Việt Nam tại TP Vĩnh Yên; thực hiện tốt những nhiệm vụ do Hội KTS Việt Nam giao phó như: tổ chức Ngày KTS Việt Nam (27/4), giao lưu và tặng quà cho Nhà văn hóa Thản Sơn….
Bám sát định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh đã được Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIII, XIV, và XV đề ra, đặc biệt là 10 chương trình kinh tế xã – hội, trong đó có chương trình phát triển đô thị và thị tứ nông thôn, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã tập trung lập và trình duyệt QH tổng thể phát triển đô thị và thị tứ trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2002). Đặc biệt, với QHC phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mới được Thủ Tướng phê duyệt vừa qua, ngành Xây dựng tỉnh đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đặc biệt là trong việc quản lý quy hoạch. Về điều này, báo cáo thực hiện nhiệm vụ 2011 của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã chỉ rõ những tồn tại: công tác QHXD thiếu sự đồng bộ, nhiều khu vực còn thiếu QH chi tiết, gây khó khăn trong quản lý và định hướng cho các dự án đầu tư xây dựng; các chỉ tiêu QHXD còn bất cập với các tiêu chuẩn của địa phương; QH kế hoạch sử dụng đất chưa phù hợp với QHXD; chất lượng tư vấn chưa đồng đều; nhiều địa phương tự lập và trình duyệt QH không thỏa thuận với Sở Xây dựng, dẫn đến việc quản lý chồng chéo…

Để từng bước khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, với những hoạt động thiết thực sau:
1.    Đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản QPPL và tuyên truyền giáo dục Pháp luật về xây dựng:hoàn thiện dự thảo các văn bản đã soạn thảo để trình UBND tỉnh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng  nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với lãnh đạo, nhân viên quản lý đô thị các cấp
2.    Tiếp tục chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính
3.    Phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, triển khai QHC phát triển đô thị Vĩnh Phúc; xây dựng các văn bản hướng dẫn địa phương về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép, hướng dẫn quản lý QH theo các văn bản của Chính phủ và Bộ Xây dựng ban hành…
4.    Hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt các QH giao thông, QH cấp thoát nước… tiếp tục triển khai các dự án được UBND tỉnh giao.
5.    Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản
6.    Nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà và phát triển đô thị: xây dựng chương trình phát triển đô thị, tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, theo dõi việc triển khai các dự án xây dựng KTX dành cho SV
7.    Quản lý chất lượng xây dựng và phát triển vật liệu xây dựng
8.    Chú trọng công tác thanh tra xây dựng
Triển khai nhiệm vụ của năm 2012 với bộn bề công việc, KTS Nguyễn Đạm, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội KTS Vĩnh Phúc cho biết: “Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống hoạt động của ngành, khai thác mọi nguồn vốn hiệu quả, tăng cường đầu tư theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng cho từng hạng mục công trình, không ngừng phát triển về mọi mặt…”. Với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, tin rằng những cơ hội mới sẽ mở ra – tạo thành sức bật, tiền đề cho sự phát triển của ngành Xây dựng và Kinh tế Xã hội của toàn tỉnh Vĩnh Phúc, trở thành một trọng điểm kinh tế lớn, có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng Thủ đô cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.