Trong thời gian gần đây, cụm từ “vật liệu xanh” (VLX) đã quen thuộc hơn với người sử dụng. Tuy nhiên, để vật liệu này được sử dụng rộng rãi tại những công trình xây dựng thì vẫn cần thời gian bởi mọi sự thay thế luôn cần có sự chuyển tiếp.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã hoàn thiện một số khung quy chuẩn về an toàn tiết kiệm năng lượng đối với công trình xây dựng và cũng đã có một số điều cấm đối với vật liệu gây hại cho sức khỏe như amiăng hoặc đã hạn chế được gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà đầu tư khi xây dựng công trình sử dụng hoặc cố tình sử dụng vật liệu “không sạch” vì mục đích lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề môi trường.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Trong nội dung của Nghị định có chương đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Tiếp đó, ngày 17/11/2005, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 40/QĐ-BXD ban hành Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Tuy nhiên kể từ đó đến nay nhiều công trình xây dựng vẫn tiếp tục sử dụng vật liệu không an toàn, không tiết kiệm năng lượng, kể cả những công trình đưa vào khai thác sử dụng từ 2007 trở lại đây (từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực). Đây là một thiếu sót rất lớn của các nhà tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra thiết kế, tư vấn kiểm tra chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình xây dựng.
Đơn cử như việc sử dụng kính xây dựng trong các công trình xây dựng và đời sống xã hội. Nhiều chung cư ở Hà Nội, đặc biệt nhà ở dân dụng hiện nay các loại kính sử dụng vẫn là kính một lớp, kính trong chưa bảo đảm yêu cầu hệ số truyền nhiệt và độ an toàn. Do vậy, khi tiếp nhận và sử dụng căn hộ trong những khu nhà này thì những sai phạm trên rất khó khắc phục, hoặc chủ nhà cũng không thể biết những vật liệu trên không sạch để vẫn vô tình ném tiền qua cửa sổ. Bởi nếu sử dụng kính không an toàn, gặp mưa bão sẽ dễ bị rơi vỡ gây thương tích, hoặc tốn tiền sử dụng điều hòa khi cửa khung nhôm vẫn truyền nhiệt từ bên ngoài…
Với những công trình này, nếu người dân mua nhà khởi kiện ra tòa, các tổ chức tư vấn trên phải bỏ tiền ra đền theo quy định của Nghị định của Chính phủ số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Đã đến lúc người mua nhà yêu cầu người chủ đầu tư phải công bố công khai về việc áp dụng quy chuẩn về VLXD cho sản phẩm bán ra thị trường. Yêu cầu chủ đầu tư công khai minh bạch các hợp đồng khung về việc mua bán nhà trong đó cam kết vấn đề sử dụng vật liệu sạch đối với người mua nhà. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở địa phương cũng cần nâng cấp chất lượng trong việc rà soát, nâng cao chất lượng sử dụng vật liệu sạch mà trong quy chuẩn Quốc gia yêu cầu. Việc kiểm tra và chứng nhận VLXD phù hợp với chất lượng công trình xây dựng phải là một trong những quy định bắt buộc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam:Ở Thụy Sĩ, công trình xanh đã giúp tiết kiệm được 3/4 điện năng, giảm lượng tiêu hao điện năng/m² xây dựng xuống còn 25% (so với công trình bình thường) và ở nước ta cũng rất cần có những chính sách khuyến khích “công trình xanh”, “kiến trúc xanh” phát triển. Tiến tới cấp chứng nhận xanh cho các công trình đạt chuẩn và coi đó là tiêu chuẩn để bán hàng. Thực tế đang đòi hỏi phía cơ quan quản lý Nhà nước phải gấp rút ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn mang tính hướng dẫn, bắt buộc để áp dụng vào thực tiễn, có lợi cho xã hội, cho người sử dụng và cả chủ đầu tư. Trong quý II/2011 Bộ sẽ ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý nêu trên giúp cho công tác thiết kế, xây dựng, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình. |
(Theo xaydung)