Xanh hóa nóc nhà: Nhiều lợi ích thiết thực

Nhiều dự án ở các đô thị lớn gần đây đã thiết kế, xây dựng theo lối kiến trúc xanh, biến mái nhà thành một công viên mi ni xanh mát. Mặc dù so với làm mái bê tông thông thường, chi phí xây dựng “mái nhà xanh” cao hơn khoảng 20 – 30% nhưng bù lại là nhiều lợi ích đáng kể khác.

Xanh hóa nóc nhà: Nhiều lợi ích thiết thực - ảnh 1Trường mẫu giáo xanh ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai với mái được thiết kế để trồng cây, làm lối đi bộ, khu vui chơi – Ảnh: C.T.V
Xanh hóa nóc nhà: Nhiều lợi ích thiết thực - ảnh 2Phối cảnh những căn nhà tại dự án Làng Sen được phủ cây xanh – Ảnh: Đình Sơn
Mái nhà như công viên
Xanh hóa nóc nhà: Nhiều lợi ích thiết thực - ảnh 3
Một lợi ích to lớn khác mà ít ai nghĩ tới, là khi trồng cây trên mái sẽ giúp đô thị tăng khả năng chống ngập úng. Nước mưa thay vì trượt thẳng toàn bộ xuống, gây áp lực cho hệ thống thoát nước vốn đang quá tải, sẽ được giữ lại một phần trên mái xanh
Xanh hóa nóc nhà: Nhiều lợi ích thiết thực - ảnh 4
KTS Võ Trọng Nghĩa

Ý tưởng xanh hóa nóc nhà ở các khu đô thị đã được áp dụng tại dự án Làng Sen VN, do Công ty Phúc Khang làm chủ đầu tư ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án quy mô 50 ha, gồm khoảng 2.300 căn nhà, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, dự án thiết kế dành 60% diện tích đất phát triển mảng xanh và không gian sinh hoạt cộng đồng. Công viên không tập trung mà rải đều ở các khu dân cư, nhà nào cũng đối diện công viên, được hưởng không khí trong lành. Dự án có 4 mẫu nhà, tất cả đều thiết kế mái nhà xanh, tức cây được trồng trên mái. Khách hàng khi xây nhà sẽ được tư vấn giải pháp chống thấm, cung cấp các giống cây, kỹ thuật và quy chuẩn trồng cây, cỏ trên mái nhà. Công ty đã thành lập hẳn một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ trồng, bảo dưỡng cây trên mái nhà, diệt côn trùng.

Tại Đồng Nai, một công trình nhà mẫu giáo ở TP.Biên Hòa được xây dựng trên diện tích đất 1,2 ha, với mái trường là khu vườn có lối đi dạo, trồng cây cỏ như một công viên, là nơi để các học sinh có thể chạy nhảy, vui đùa.
Theo Công ty Võ Trọng Nghĩa, hiện công ty đã thiết kế và xây dựng rất nhiều ngôi nhà xanh cho khách hàng. Trong đó có một gia đình (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đầu tư xây 5 khối nhà trồng cây xanh trên mái. Khoảng đất trống giữa các khối nhà được tận dụng làm thành những khu vườn nhỏ. Thiết kế này giúp không khí của ngôi nhà trong lành, mát mẻ làm nơi làm việc, nghỉ ngơi.
Tại Hà Nội, khách sạn 5 sao Marriott trên đường Đỗ Đức Dục (Q.Nam Từ Liêm) của Tập đoàn bất động sản Bitexco được nhiều người biết đến không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, sang trọng mà còn vì tầng mái được phủ toàn bộ bằng thảm cỏ xanh mượt, được cắt tỉa rất gọn đẹp, công phu. Bitexco cho biết chi phí đầu tư mái xanh này không đáng kể trong tổng chi phí xây dựng khách sạn, các khoản mục thi công bao gồm thiết kế, xử lý chống thấm tầng mái rồi lót một lớp kính, đặt hệ thống tưới tự động, sau đó đổ đất và trồng cỏ. Chính thảm cỏ này giúp những phòng trên tầng áp mái tránh được bức xạ, luôn mát mẻ tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí hoạt động.
Giải bài toán chống ngập
Anh Nguyễn Văn Hùng, nhà ở Q.Nam Từ Liêm, cũng đã cải tạo mái tôn rộng 60 m2 thành một vườn cây xanh. Anh Hùng đã thuê thợ thiết kế một vườn bằng cách lắp một lớp kính lên mái tôn, chống thấm cho toàn bộ mái nhà. Sau đó, phủ thêm một lớp mái thứ hai bằng kính, có vách như một chiếc bể. Đất được đổ lên lớp kính, độ dày 30 – 40 cm. Tổng chi phí làm vườn trên mái nhà của anh hết khoảng 50 triệu đồng. Khu vườn được anh ngăn ô, có chừa lối đi trồng rau, hoa. “Số tiền trên bỏ ra cũng không nhiều nhưng bù lại mùa nào rau nấy, mùa hè thì mùng tơi, ngót, muống, dền. Mùa đông thì các loại su hào, rau thơm, cải bắp… Các loại quả như bầu, bí, mướp cũng được trồng. Nhìn mái nhà không khác gì một khu vườn với đầy đủ các loại rau xanh. Khi dành thời gian chăm sóc vườn cây cũng là lúc thư giãn tốt sau những giờ làm việc căng thẳng ở công ty”, chị Trần Thị Huệ, vợ anh Hùng, hào hứng chia sẻ.
KTS Võ Trọng Nghĩa cho biết hiện giá thành để chống thấm và những chi phí làm mái xanh khoảng 600 – 700 ngàn đồng/m2, tương đương làm hệ thống khung thép lợp tôn chống nóng. Do đó, để khuyến khích người dân tham gia, thời gian đầu nhà nước nên hỗ trợ những gia đình làm nhà mái xanh. Khi đó các đô thị sẽ không còn những nhà mái tôn tránh nóng “lổn nhổn” khắp đô thị, mà là những ngôi nhà mái xanh, với rất nhiều lợi ích như giúp cách nhiệt; giảm lượng bức xạ nhiệt mặt trời, do khi các bức xạ nhiệt chiếu xuống đã được lớp cây xanh hấp thụ, đồng thời đưa trở lại không khí một lượng ô xy cần thiết cho sự sống; cải tạo cơ bản về cảnh quan, khung cảnh các đô thị… “Một lợi ích to lớn khác mà ít ai nghĩ tới, là khi trồng cây trên mái sẽ giúp đô thị tăng khả năng chống ngập úng. Nước mưa thay vì trượt thẳng toàn bộ xuống, gây áp lực cho hệ thống thoát nước vốn đang quá tải, sẽ được giữ lại một phần trên mái xanh”, ông Nghĩa phân tích.
Còn KTS Mai Thế Nguyên khuyên nên chọn loại cây trồng trên mái là loại cây sedum, gần như không cần phải chăm sóc, lại bảo vệ rất tốt cho mái nhà. Sedum là một loại cây thấp (3 – 4 cm), cành lá của nó giữ lại 50% nước mưa. Loại cây này do Thụy Điển nghiên cứu, phát triển riêng cho nhà mái xanh, rất phù hợp.
Kinh nghiệm từ Singapore
Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, có thể tham khảo cách “xanh hóa” đô thị của Singapore. Từ năm 1968, nước này đã thúc đẩy chiến dịch mềm hóa bê tông với mục tiêu đưa Singapore trở thành TP trong vườn với 3 giai đoạn: phát triển hạ tầng xanh, biến Singapore thành cổng kết nối thông tin trong lĩnh vực cây xanh đô thị quốc tế, tạo nên niềm đam mê mảng xanh của cộng đồng. Bên cạnh các biện pháp như tập trung trồng cây ven đường, quy hoạch lại cây trồng ven đường, trồng thêm nhiều cây có những màu sắc khác nhau, đẩy mạnh trồng cây leo trên trụ đèn, tường chắn, cầu vượt, bãi đậu xe…, nước này tập trung đẩy mạnh xanh hóa tầng cao, sân thượng, ban công, mái nhà… Để có vốn thực hiện, Singapore đã khéo léo tận dụng nguồn kinh phí từ chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân thông qua các hình thức lập quỹ Thành phố vườn, phát động các chương trình tình nguyện xanh, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia.

Đình Sơn – Lê Quân

Trả lời