Bắc Ninh: Phát triển ở hai bên sông Đuống

Thanh-pho-Bac-Ninh

Đúng như kỳ vọng, tại hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Sở Xây dựng phối hợp với Hội KTS, Hội Xây dựng Bắc Ninh tổ chức mới đây, tỉnh này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia trung ương và địa phương nhằm làm rõ thêm cơ sở khoa học để lập đồ án.

Bắc Ninh – TP trực thuộc Trung ương vào năm 2020

Sau 15 năm kể từ khi tái lập tỉnh, kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ, vươn lên tốp đầu các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Cùng với quá trình đó, hệ thống đô thị Bắc Ninh có tốc độ phát triển cao trong cả nước. Với 15 KCN tập trung, 30 CCN vừa và nhỏ, hơn 20 nghìn ha đất đô thị được quy hoạch và xây dựng, Bắc Ninh cần có một quy hoạch vùng tỉnh nhằm điều chỉnh và định hướng phát triển không gian trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHV) làm cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồ án này đồng thời cụ thể hóa mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 18 đề ra là “Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2020”.

Sông Đuống – dải sinh thái, cảnh quan

Tâm huyết và trăn trở với đồ án, Sở Xây dựng Bắc Ninh không chỉ mời và ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu đồ án QHV với Cty NIKKEN SEKKEI (Nhật Bản) mà còn chủ động đưa ra một số quan điểm, chính kiến. Theo ThS Cao Văn Hà – Giám đốc Sở Xây dựng, QHV tỉnh Bắc Ninh phải đặt trong QHV Thủ đô và gắn với sự phát triển của các tỉnh lân cận, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. QHV cần định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh thành một TP hiện đại, văn minh và văn hiến, trong đó đô thị trung tâm (đô thị lõi) là đô thị loại I, là một trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa, sinh thái, đào tạo – khoa học – công nghệ, là một trung tâm công nghiệp hiện đại và là TP phát triển kiến trúc hiện đại, phát huy và bảo tồn kiến trúc truyền thống, tạo ra môi trường sống tốt cho nhân dân.

Đề cập đến định hướng phát triển không gian, theo ông Hà, có thể chia thành 2 vùng chính là bắc Sông Đuống và nam Sông Đuống. Bắc Sông Đuống là vùng nội thị với đô thị lõi được quy hoạch đạt tiêu chí loại I. Nam Sông Đuống là vùng ngoại thị với đô thị Hồ là trung tâm, vùng Gia Bình, Lương Tài và một phần Thuận Thành phát triển nổi trội về nông nghiệp. Sông Đuống kết nối hai vùng, vừa là dải sinh thái, cảnh quan, vừa phát triển du lịch.

Ông Hà cho rằng: QHV không thể không quan tâm đến việc khắc phục tình trạng phát triển đô thị chủ yếu theo chiều rộng mà không phát triển theo chiều cao như thời gian qua. Một đô thị hiện đại không thể không chiếm lĩnh những tầng cao, vốn đã là khát vọng từ bao đời của con người về chiếm lĩnh không gian, thậm chí còn phải tính đến không gian ngầm của đô thị. Tuy nhiên, do tính chất văn hóa riêng, Bắc Ninh cần quy hoạch những không gian cao tầng có tính đến các khu trung tầng trong thời gian trước mắt, phát triển hài hòa với các khu thấp tầng, nhất là khu vực bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống, khu phát triển sinh thái…

Đặt Bắc Ninh trong mối quan hệ với vùng Thủ đô

Đóng góp ý kiến cho đồ án, GS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đồng tình với quan điểm đặt QHV Bắc Ninh trong mối quan hệ với Vùng Thủ đô. “Tỉnh Bắc Ninh đã chủ trương rất đúng đắn là lựa chọn mô hình phát triển bền vững “theo chiều sâu”, coi trọng chất lượng, hiệu quả để xây dựng QHV tỉnh”. Tuy nhiên, ông Liêm cũng đề nghị các chuyên gia quy hoạch hết sức lưu ý đến kinh tế tụ tập (trong đó có kinh tế vận tải), vai trò của nông nghiệp và mối quan hệ đô thị – nông thôn, đến vấn đề bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, nhân họa. Bắc Ninh hiện nay đang có rất nhiều khu công nghiệp phân tán, vì vậy phải chăng nên tái cấu trúc chúng và tập trung vào Bắc Đuống để phát huy tối đa hiệu ứng tụ tập.

Cũng giống như giám đốc Sở Xây dựng, ông Liêm cho rằng: Vì TP Bắc Ninh sẽ là đô thị loại I nên ngay từ bây giờ đã phải quan tâm đến quy hoạch không gian ngầm đô thị. Bắc Ninh cần có giải pháp sáng tạo để xóa bỏ tình trạng đô thị hóa tự phát dọc các con đường và nên sử dụng các phương thức và công cụ quản lý hiện đại như quan hệ đối tác công – tư (PPP), phí phát triển… nhằm phát huy vai trò của khu vực tư nhân và huy động các nguồn vốn từ đất đai để phát triển hạ tầng. Các KĐTM phải đa chức năng, có phố phường tạo nhiều việc làm và cung ứng dịch vụ thuận tiện chứ không chỉ là khu nhà ở.

Nhất thể hóa đô thị – nông thôn

Đồng tình với mô hình phát triển chùm đô thị hướng tới nhất thể hóa đô thị – nông thôn, TS Nguyễn Phương Bắc – Phó giám đốc Sở KH&ĐT nhận định: Mô hình đó vừa đảm bảo phát triển vùng đô thị lõi hiện đại, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả của tổ chức không gian và quá trình tụ hội đô thị, vừa phát triển các khu vực bên ngoài, khai thác lợi thế về phát triển du lịch văn hóa, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, theo ông Bắc, phương án cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, khai thác yếu tố tích cực của Sông Đuống trong tổ chức không gian đô thị, nhất là tổ chức không gian du lịch.

Đóng góp những ý tưởng ban đầu về quy hoạch hình thành kỹ thuật của vùng, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật lưu ý: Cùng với các tuyến cao tốc theo hướng Bắc Nam (Lạng Sơn – Bắc Ninh – Hà Nội) và theo hướng đông tây (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương – Bắc Ninh – Hà Nội), cần hình thành các tuyến vành đai liên kết các tuyến cao tốc này, ngoài mục đích liên kết về giao thông còn có vai trò liên kết các cụm đô thị – điểm dân cư nông thôn nhằm thực hiện mô hình phát triển không gian của tỉnh (TP trực thuộc Trung ương sau này). Trên cơ sở của sơ đồ nói trên, Bắc Ninh tổ chức mạng lưới giao thông công cộng với xe buýt – xe buýt nhanh là chủ đạo, sau này khi phát triển sẽ xây dựng đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng cần tổ chức các tuyến đường nội vùng trên cơ sở các tuyến tỉnh lộ kết nối các đô thị – thị trấn huyện lỵ với các khu dân cư nông thôn tập trung và với các trục cao tốc, tạo mạng lưới liên hoàn đáp ứng nhu cầu đi lại và giao lưu nội, ngoại vùng.

Ông Phạm Đình Nghĩa – nguyên giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh đề xuất: Bắc Ninh nằm sát Thủ đô Hà Nội và nằm lọt trong các vùng công nghiệp xung quanh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Dương… Cái lòng chảo nhỏ bé này giữ vai trò gì trong vùng lớn? Phải chăng nó cần phải có hướng đi khác, sắc thái khác? Đó là một lòng chảo thực sự xanh hơn, có mật độ cư dân, mật độ xây dựng thấp hơn. Xung quanh nhiều cao tầng, ở đây nhiều thấp tầng. Xung quanh ồn ào, ở đây yên tĩnh, ít khói bụi, ngột ngạt hơn… Như vậy, Bắc Ninh vừa giữ gìn và phát huy được sắc thái văn hóa lâu đời vốn có, vừa tiếp cận những chuẩn mực của đô thị sinh thái.

Theo Báo xây dựng

Trả lời