Kiến trúc xanh Việt Nam : Loay hoay xây dựng công cụ đánh giá.

Trờ lại với câu chuyện về kiến trúc xanh ở Việt Nam, nếu việc nhận diện còn có nhiều luồng ý kiến, thậm chí chưa đồng nhất thì hướng phát triển kiến trúc xanh cũng vẫn chỉ ở mức… triển vọng.

Theo giải thích của các chuyên gia, việc nhận diện kiến trúc xanh ở Việt Nam với nhiều luồng ý kiến là… bình thường. Bởi ngoài những mô hình, tiêu chí, yêu cầu chung của bất kì một công trình, kiến trúc xanh trên toàn thế giới thì mỗi quốc gia đều có những yếu tố về điều kiện tự nhiên (tài nguyên thiên nhiên, điều kiện thời tiết, khí hậu…), địa lý, luật pháp, các quy tắc trong xây dựng cũng như tài nguyên thiên nhiên và mức chịu tác động biến đổi khí hậu khác nhau.

Đại diện Hội đồng kiến trúc xanh Việt Nam nhận định: Mô hình, tiêu chí cho một nền kiến trúc xanh là phải hướng đến sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên nước, vật liệu, năng lượng. Kiến trúc xanh phải đảm bảo sức khỏe, đem lại sự thoải mái cho người sử dụng, có giá trị bảo tồn hệ sinh thái, hạn chế ô nhiễm và xả thải, đảm bảo hòa nhập với cộng đồng trong sự quản lý nghiêm túc, chặt chẽ. Kiến trúc xanh phải bền vững, ứng phó với các tác động, ảnh hưởng tới của biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, Việt Nam cần sử dụng một công cụ riêng đánh giá công trình, kiến trúc xanh. Các công cụ này sẽ thiết lập một mức chuẩn đòi hỏi các công trình phải đạt được các tiêu chí xanh, mang đến hiệu quả hoạt động cao hơn đa số công trình xây dựng tồn tại hiện nay.

Cũng theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có những công trình, kiến trúc xanh sánh tầm một vài nơi khác trên thế giới thì sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành là rất cấp thiết.

Trong đó khu vực nhà nước cần nắm vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy hoạt động xây dựng bền vững. Một giải pháp hiệu quả là nhà nước đặt ra các quy chuẩn xây dựng và chế tài xử phạt phù hợp đi kèm về sử dụng điện, vật liệu và xả thải của công trình.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần khuyến khích phát triển “xanh” trong khối tư nhân qua việc thực thi chính sách xây dựng công trình xanh.

Bản thân khu vực tư nhân vẫn luôn là thành phần có nhiều đóng góp giá trị nhất trên chặng đường phát triển công trình xanh của thế giới nói chung, chủ yếu là bởi hiệu quả đầu tư của nó đã được công nhận tại nhiều nước. Nhà đầu tư thông minh là những nhà đầu tư luôn hướng tới lợi ích lâu dài. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi khu vực tư nhân đã luôn đi đầu trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều trở ngại phía trước khi phần lớn các nhà đầu tư đều coi ngành xây dựng là một thị trường tiềm năng cho đầu cơ mà không hề lưu tâm đến phát triển xanh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hướng đến việc phát triển kiến trúc xanh, Việt Nam cần có các khóa đào tạo đúng hướng và chuyên sâu về sự phát triển bền vững. Việc xác định và giảng dạy bộ môn Công trình xanh tại các giảng đường Đại học nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Các khối, ngành, DN, tổ chức cần nỗ lực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để có thể phổ cập xu hướng xây dựng bền vững trong cả nước cũng như cùng nghiên cứu, liên kết chặt chẽ hơn nữa nhằm nâng cao khả năng chuyên môn, từ đó giúp cải thiện tính chính xác và ứng dụng thực tiễn của các công cụ đánh giá cho mô hình kiến trúc xanh .

Theo Báo xây dựng

Trả lời