Những cái gọi là “ nhà” được dựng lên vội vã trên các mẩu đất đầu thừa, đuôi thẹo có diện tích chỉ mười lăm mét vuông, thậm chí chỉ ba, bốn mét vuông, nằm ngoài phạm vi phải giải phóng mặt bằng?! Nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hầu hết trên các đường phố Thủ đô, nhưng nhiều hơn cả, công khai và thách thức hơn cả là trên các đường mới. Như đường Đào Tấn, tuyến phố nút giao thông Nguyễn Trãi, đường Xã Đàn, đường Nguyễn Văn Huyên… rồi mới đây là đường Trần Phú kéo dài, mở rộng nối với phố Kim Mã. Nhìn những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo người không có kiến thức về kiến trúc cũng thấy bực mình, vậy mà các nhà quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị lại dường như bất lực. Ngay từ năm 2006, Hà Nội đã có quy định với những mảnh đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu nhỏ hơn 3m so với chỉ giới xây dựng thì phải giữ nguyên hiện trạng và cấm xây dựng. Quy định trên là cấm xây công trình, nhưng lại giữ nguyên hiện trạng thì để làm gì, trong khi chủ sở hữu mảnh đất bé con, xấu xí đó lại là người dân. Và nhà siêu mỏng mọc lên từ đấy. Nhiều nhà không khác gì bức tường bởi chiều rộng theo mặt đường đến mươi mét, nhưng chiều sâu chỉ hơn 1m. Tầng 1 xây theo mảnh đất, nhưng tầng 2 nhô ra vài chục phân. Tầng 3 lại cứ thế nhô tiếp vài chục phân nữa. Thế là, dưới mở cửa hàng, cũng cửa kính, cửa cuốn hẳn hoi. Hai tầng trên để ở cho dù chỉ rộng hơn 15m2. Nhưng do nhà mọc trên đường mới giữa trung tâm, là đất vàng, đất kim cương, nên ngôi nhà siêu mỏng kia có giá bạc tỷ?!
Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc là khi mở đường phải có một quy hoạch đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và kiến trúc. Cần giải phóng mặt bằng từ chỉ giới xây dựng vào sâu độ 50m. Sau đó TP sẽ bán đấu giá phần đất này để xây dựng công trình theo một thiết kế đô thị hai bên đường hoàn chỉnh. Làm được như vậy, sẽ chấm dứt cái nạn nhà mỏng, nhà méo hiện nay. Thế nhưng, bàn thảo mãi, cuối cùng không làm được vì… tiền đầu tư chỉ đủ giải phóng mặt bằng để mở đường thôi!
Hà Nội đang quyết tâm phấn đấu trở thành Thủ đô văn hóa, văn minh và xanh – sạch – đẹp. Thế nhưng, chỉ nhìn các công trình siêu mỏng siêu méo trên các con đường mới mở thưa thớt bóng cây xanh, có vốn đầu tư vào loại đắt nhất hành tinh, người ta không khỏi buồn lòng và nghi ngờ về tính khả thi của cái quyết tâm kia.
Thế mới biết, mở rộng một TP không khó. Nhưng để quản lý một TP thì thật không dễ chút nào. Mà câu chuyện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đã, đang và vẫn tiếp tục mọc lên kia là một ví dụ sinh động, cười ra nước mắt của công tác quản lý đô thị.