Công văn số 3064/BXD-VLXD của Bộ Xây dựng về việc cần kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung vừa được gửi đến các Tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng.
Số liệu thống kê về Quản lý Nhà nước từ Bộ Xây dựng cho thấy, hiện cả nước có trên 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất trên 10 triệu viên QTC/năm và một số chủng loại vật liệu không nung khác, với tổng công suất thiết kế đạt gần 6 tỷ viên QTC, 13 nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, 17 nhà máy sản xuất bê tông bọt.
Với chi phí đầu tư rẻ, thời gian đầu tư ngắn, nên tốc độ đầu tư sản xuất gạch xi măng cốt liệu trong thời gian vừa qua tăng rất nhanh.
Sản phẩm vật liệu không nung có chất lượng ổn định và các doanh nghiệp sản xuất cũng đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây không nung. Nhưng mặc dù công nghệ thì tự chủ, các doanh nghiệp có khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây không nung vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Vật liệu xây dựng |
Cụ thể, về gạch bê tông khí chưng áp, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bình quân chỉ đạt 30-40% so với công suất thiết kế, trong đó có tới 70-80% sản lượng sản xuất được công ty cho xuất khẩu.
Về gạch bê tông (cách gọi khác là gạch block xi măng cốt liệu) thì công suất sản phẩm có khá hơn, đạt khoảng 80-85% so với công suất thiết kế.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang có 5 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung thì cả 5 doanh nghiệp này đều sản xuất không hết công suất thiết kế và lượng hàng tồn kho vẫn còn lớn.
Chẳng hạn, Công ty CP Dịch vụ môi trường Đông Khê tại xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều có dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu với công suất tương đương 42 triệu viên gạch quy tiêu chuẩn (QTC)/năm nhưng hiện tại, công suất sản xuất mới chỉ trong khoảng trên dưới 10 triệu viên/năm và lượng sản phẩm tồn kho thì luôn ở mức 30%. Hay như Công ty CP Thương mại và Sản xuất vật liệu xây dựng xanh, Cảng Cái Lân, TP. Hạ Long, với năng lực sản xuất khoảng 45 triệu viên QTC/năm, nhưng hiện tại, cũng chỉ sản xuất và tiêu thụ được khoảng 20% so với công suất thiết kế.
Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tổng công suất đầu tư vật liệu xây không nung cho đến hết năm 2013 đã hoàn toàn đảm bảo cung cấp sản phẩm để đạt và vượt mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.
Bộ Xây dựng cũng chính thức yêu cầu các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện các quy định để gia tăng sử dụng các loại vật liệu này trong những năm tới nhằm đưa vật liệu xây không nung vào đại trà các dự án xây dựng.
Cụ thể, người quyết định đầu tư phải có trách nhiệm quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong xây dựng công trình theo quy định khi quyết định đầu tư dự án. Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm sử dụng các loại vật liệu không nung phù hợp với quy định đã ban hành.
Nhà thầu tư vấn giám sát có trách nhiệm giám sát việc sử dụng vật liệu xây không nung phải theo đúng quy định của thiết kế nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
Với các trường hợp là các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng các quy định và đây là yêu cầu bắt buộc.