Kĩ thuật làm nhà bằng đất đã có một truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Cách đây khoảng 20 năm, bạn có thể tìm thấy rất dễ dàng những ngôi nhà được xây bằng đất trong rất nhiều ngôi làng Việt Nam, rất phong phú. Thế nhưng, mọi việc đã khác từ khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, vật liệu xi măng và kĩ thuật làm nhà bằng bê tông càng ngày càng phố biến, lan từ thành phố về dần các vùng nông thôn, hữu dụng và đa năng, dễ sử dụng và dễ thi công. Hơn nữa, việc dùng xi măng làm nhà đã được tiêu chuẩn hóa đến mức người ta không còn phải băn khoăn nhiều về nó. Nhất là khi gần như tỉnh nào cũng có một nhà máy xi măng và được bán với giá phải chăng.
Ý định xây nhà bằng đất của tôi lại xuất phát từ những thích thú khi bước vào những ngôi nhà tường đất nện còn sót lại trong làng. Nó mát hơn hẳn và không hề thấy sự bức bối của độ ẩm trong những ngày nồm. Và điều này được khẳng định bằng các nghiên cứu khoa học khi tôi có trong tay cuốn “Kỹ thuật xây dựng bằng đất của Gernot Minke” (Nhà xuất bản kiến trúc Birkhäuser). Trong cuốn sách có chỉ ra vô số những điều thú vị khi xây tường bằng đất sống, bên cạnh việc giảm đáng kể bức xạ nhiệt, tự cân bằng độ ẩm, lọc không khí… Sách cũng chỉ ra rằng: các đo đạc thực hiện tại một tòa nhà mới xây ở Đức, trong đó cả nội và ngoại thất đều được làm từ đất, trong thời gian 8 năm, cho thấy độ ẩm trung bình trong nhà gần như được giữ ở mức cân bằng 50% suốt năm, chỉ dao động trong phạm vi từ 5% đến 10%, vì thế giúp tạo ra môi trường sống rất tốt cho sức khỏe với độ ẩm được hạ xuống vào mùa hè và tăng lên vào mùa đông.
Tất nhiên, một lí do nữa để quyết định xây một ngôi nhà bằng đất sống là giá thành. Sau tính toán, nó tiết kiệm một khoản kha khá so với dùng gạch và xi măng. Và nếu từng ở cạnh một lò nung gạch thì bạn sẽ thấy không khí bị ô nhiễm thế nào. Chả đâu xa, vài vụ trước, ngay trong cái làng này, cả vạt lúa lẫn những vườn cây sấu úa vàng rồi chết chỉ vì có một lò gạch đốt trộm. Thường ở quê, người ta chỉ cho đốt gạch vào những lúc rỗi vụ để khỏi ảnh hưởng đến hoa màu.
Ý tưởng xây dựng ngôi nhà bằng đất đã hình thành giản đơn như vậy. Một cái ao được đào trước mặt dùng để chứa nước và nuôi cá. Lượng đất được đào lên, thay vì phải chở đi đổ, thì đã thừa để biến thành vật liệu để làm thành những viên gạch không nung xây toàn bộ tường, hàng rào cho ngôi nhà.
Một khung nhà cũ bằng gỗ được mua lại với giá rẻ của một nông dân trong làng khi ông muốn vứt nó đi để xây một ngôi nhà bằng bê tông. Một vài người thợ xây, thợ mộc trong làng được thuê để xây dựng ngôi nhà bằng những kĩ thuật cổ truyền mà họ còn nhớ được.
Tất nhiên cũng chả khó khăn khi trong ngôi nhà đó vẫn có đủ các phòng tắm, vệ sinh với tiêu chuẩn tiện lợi.
Ngôi nhà được hoàn thành sau hơn hai tháng và với một con số về chi tiêu tài chính khá kinh ngạc: khoảng 300 triệu cho 200m2 nhà ở với hai buồng ngủ, một phòng khách và một bếp ăn khá rộng rãi. Chi phí đó còn đủ cho 400m2 vườn và cái ao nhỏ. Tất nhiên chi phí này không bao gồm những bức tranh, hay vài món đồ gỗ cũ được bầy trong ngôi nhà đó.
Ngoài việc để người chủ nhà có những giây phút thú vị khi sống trong ngôi nhà đó thì những mong muốn của tôi – là người xây nhà – là thay đổi được quan niệm của những người nông dân hàng xóm là đã làm nhà thì buộc phải bê tông.
Vài người dân sau khi sang tham quan đã quyết định sửa chữa nâng cấp ngôi nhà cũ mình đang ở chứ không phá nó đi. Người hàng xóm đã bán cho chúng tôi cái khung nhà cũ vẫn hay sang chơi và ngắm cái khung nhà cũ của mình một cách tiếc nuối. Ông nói rằng giấc ngủ của ông trong ngôi nhà mới không hề ngon. Ngôi nhà đó hình như thiếu một cái gì, mặc dù ông đã chi khá nhiều tiền vào để có một ngôi nhà giống những ngôi nhà trên phố.